Ngày 23.10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM thông tin đơn vị đã phát hiện, xử lý 198 vụ vi phạm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel.
Theo đó, các đơn vị đã tạm giữ hơn 25.000 sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel với tổng trị giá gần 1,7 tỉ đồng và đã xử phạt với số tiền hơn 2,2 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 19% trên tổng số vụ vi phạm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã phát hiện, xử lý).
Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của nhãn hiệu Chanel tại Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Trương Văn Ba và đại diện nhãn hiệu Chanel đã trao đổi và khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp xử lý các hành vi tàng trữ, kinh doanh, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của thương hiệu Chanel tập trung tại các địa bàn nổi cộm, trung tâm thương mại và trên môi trường trực tuyến; đặc biệt là vào thời điểm cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2025.
Đại diện nhãn hiệu Chanel trao thư cảm ơn Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM Trương Văn Ba – Ảnh: CTV
Từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra tổng 4.456 vụ (tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện 4.114 vụ vi phạm (tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023), thu nộp ngân sách đạt hơn 88 tỉ đồng.
Trong đó, đối với nhóm vi phạm nổi cộm như hàng lậu, lực lượng đã kiểm tra, xử lý 590 vụ (chiếm tỷ lệ 14,34% trong tổng số vụ vi phạm), xử phạt với số tiền 9,5 tỉ đồng (tỷ lệ 11,9% trong tổng số thu nộp ngân sách), trị giá hàng hóa vi phạm hơn 39 tỉ đồng.
Về hàng giả, lực lượng đã kiểm tra, xử lý 1.031 vụ (chiếm tỷ lệ 25,06% trong tổng số vụ vi phạm), xử phạt với số tiền 11,5 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 14,4% trong tổng số thu nộp ngân sách), trị giá hàng hóa vi phạm hơn 13,7 tỉ đồng.
Về hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lực lượng đã kiểm tra, xử lý 1.909 vụ (tỷ lệ 46,4% trong tổng số vụ vi phạm), xử phạt với số tiền 35,1 tỉ đồng (tỷ lệ 44% trong tổng số thu nộp ngân sách), trị giá hàng hóa vi phạm hơn 66,3 tỉ đồng.
Về lĩnh vực thương mại điện tử, trong 10 tháng của năm 2024, Cục Quản lý thị trường thành phố đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…) từ đó đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 257 vụ vi phạm; đã xử phạt với số tiền hơn 4,7 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 7,1 tỉ đồng.